Mẹ nên làm gì khi mang thai ngôi ngược

Ngôi thai ngược là tình trạng khá hiếm gặp và tồn tại nhiều rủi ro đối với sức khỏe của cả mẹ và bé. Làm thế nào khi phát hiện ngôi thai bị ngược? Có thể điều chỉnh lại tư thế của thai nhi trong bụng hay không? Mẹ hãy tham khảo thêm trong bài tư vấn dưới đây của chuyên gia Bibo Care nhé!

 

Câu hỏi

Mẹ Minh Anh – Hải phòng có hỏi: “Cháu mang thai tuần thứ 34. Thai nhi được chẩn đoán ngôi thai ngược. Vậy có cách nào giúp em bé quay đầu lại được không?”

Ngôi thai ngược làm thế nào để khắc phục?
Ngôi thai ngược là tình trạng khá hiếm gặp

Trả lời

Chào mẹ. Cảm ơn mẹ đã tin tưởng và gửi câu hỏi về hòm thư tư vấn của Bibo Mart! Chuyên gia tiền sản xin trả lời thắc mắc của bạn như sau:

Thế nào là ngôi thai ngược?

Ngôi thai có thể hiểu là phần đầu tiên của cơ thể thai nhi khi ra khỏi bụng mẹ trong quá trình chuyển dạ và rặn đẻ. Đa phần thai nhi ban đầu khi hình thành trong bụng mẹ sẽ ở tư thế quay đầu lên phía trên. Trong quá trình phát triển thì có thể liên tục đổi tư thế.

 

Tuy nhiên, bé sẽ quay đầu và ổn định tư thế trong tuần thứ 34 – 37 của thai kỳ, đôi khi là sớm hoặc muộn hơn vài tuần. Đây là tín hiệu thông báo thai nhi sắp chui ra khỏi tử cung của mẹ. Thông thường, tư thế chuẩn sẽ đảm bảo cho phần đầu của bé hướng về khung chậu của mẹ; còn phần mông và hai chân đưa về phía ngực mẹ. 

 

Ngôi thai ngược là hiện tượng ngược lại; khi mà thai nhi nằm theo tư thế đầu hướng về phía ngực và mông đưa về khung xương chậu. Đây là một tình trạng khá hiếm gặp, chỉ chiếm 7/100 trường hợp mẹ mang thai. Điều này có thể gây ảnh hưởng đến quá trình sinh nở và cả tính mạng của 2 mẹ con. 

 

Làm gì khi bị ngôi thai ngược?

Nhiều mẹ hay thắc mắc là liệu ngôi thai ngược có cách nào làm cho thuận không? Thường thì không thể thay đổi tư thế thai nhi khi ngôi thai bị ngược ngoài phương pháp tự nhiên, tức là để cho thai nhi tự xoay chiều.

 

Thực tế, có một phương pháp là dùng kỹ thuật xoay thai, gồm 2 loại là ngoại xoay thai và nội xoay thai. Tuy nhiên, kỹ thuật này đòi hỏi bác sĩ sản khoa phải có tay nghề cao và thâm niên trong ngành. Đồng thời, yêu cầu rất khắt khe về môi trường vô khuẩn để tránh khiến mẹ bị nhiễm trùng trong tử cung. Phương pháp này tiềm ẩn nhiều nguy cơ như vỡ tử cung, suy thai,… nên không được khuyến khích thực hiện.

 

Bên cạnh đó, nhiều thai phụ còn thực hiện theo phương pháp tự nhiên như nằm chúc đầu thấp xuống phía dưới, mông đẩy lên cao trong khoảng 5-10 phút. Tuy nhiên, cách làm này rất nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi; có thể gây động thai, cực kỳ nguy hiểm.

 

Lời khuyên từ Bibo Mart

Như vậy, có thể thấy rất ít các phương pháp tác động từ bên ngoài có thể thành công; bởi thai nhi sẽ tự bình chỉnh theo tư thế thoải mái, quen thuộc nhất với bé. Nếu điều chỉnh được để cho thai thuận thì sau đó bé sẽ tiếp tục quay ngược đầu lại, đúng với tư thế cũ.

 

Thế nên, với các trường hợp thai ngược, cần phải hết sức lưu ý, quan tâm đến sản phụ; đặc biệt là trong quá trình sinh đẻ. Mẹ nên thường xuyên thăm khám, kiểm tra và trao đổi với bác sĩ có chuyên môn mỗi khi cảm nhận được sự khác thường của thai nhi. Chúc mẹ sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn, mẹ tròn con vuông!