Mẹ có nhóm máu Rh- khi mang thai có nguy hiểm không?

Rh- được xếp vào nhóm máu hiếm tại Việt Nam. Phụ nữ có nhóm máu này cần được kiểm tra trước và trong khi mang thai thật kỹ lưỡng để tránh hiện tượng bất đồng nhóm máu với thai nhi. Dưới đây là những chia sẻ của chuyên gia Bibo Care về trường hợp nhóm máu Rh- khi mang thai. Mời mẹ đón đọc!

Câu hỏi

Mẹ Kim Liên – Hải Phòng có hỏi: “Bác sĩ cho cháu hỏi, cháu nhóm máu B, Rh- và đang mang thai 25 tuần. Theo thông tin được biết thì sinh con đầu lòng không nguy hiểm; thế nhưng cháu đã bị sẩy thai 1 lần thì ở lần mang thai sau có an toàn không? Và cháu có cần phải tiêm kháng nguyên khi mang thai? Cảm ơn bác sĩ.”

Mẹ có nhóm máu Rh- khi mang thai có nguy hiểm không?
Mẹ có nhóm máu Rh- khi mang thai có nguy hiểm không?

Trả lời

Chào mẹ. Cảm ơn mẹ đã tin tưởng và gửi câu hỏi về hòm thư tư vấn của Bibo Mart!

1. Mẹ có nhóm máu Rh- khi mang thai có nguy hiểm không?

Theo các chuyên gia tiền sản, trong trường hợp mẹ có nhóm máu Rh-, bố có nhóm máu Rh+; thì theo quy luật di truyền sẽ có ít nhất 50% trẻ sinh ra sẽ có nhóm máu Rh+ giống bố. Ở lần mang thai thứ nhất, thai nhi mang nhóm máu Rh+ giống bố phát triển bình thường cho đến khi ra đời nếu quá trình mang thai bánh nhau không bị tổn thương.

Tuy nhiên ở lần mang thai thứ 2, nếu trường hợp con vẫn có nhóm máu Rh+ thì thường sẽ gặp phải sự cố bất đồng nhóm máu với nhóm máu của mẹ là Rh-. Cơ thể mẹ sinh ra kháng thể đi qua bánh nhau, chống lại kháng nguyên Rh+ trong nhóm máu của con. Điều này gây ra hiện tượng ngưng kết hồng cầu, hay còn gọi là tan máu. Hậu quả xảy ra có thể gây sảy thai, thai lưu; đẻ non, trẻ sinh ra bị thiểu năng trí tuệ, tan máu, phải thay máu thường xuyên… Vì vậy, nếu mẹ thuộc nhóm máu Rh-, cần được quản lý theo dõi thai kỳ một cách chặt chẽ và đúng cách.

2. Cách phòng ngừa bất đồng nhóm máu giữa mẹ và thai nhi

Mẹ bầu có nhóm máu Rh- cần dự phòng anti-D nếu chồng có nhóm máu Rh+. Sử dụng kháng thể miễn dịch D cần được tiến hành dưới sự tư vấn chỉ định của bác sĩ:

  • Cách 1: Tiêm 2 liều anti-D IgG 500 IU – 625 IU vào tuần thứ 28 và 34 của thai kỳ. Nếu tiêm anti-D vào tuần 28 thì tuần 34 có thể tiêm luôn anti-D mà không cần làm xét nghiệm hiệu giá kháng thể miễn dịch lại.
  • Cách 2: Tiêm 1 liều anti-D IgG 1500 IU duy nhất vào tuần thứ 28 của thai kỳ. Bên cạnh đó, cũng cần dự phòng sau sinh, tiêm anti-D IgG 500IU – 1500 IU trong vòng 72 giờ sau khi sinh; nếu con sinh ra có nhóm máu Rh(D) dương tính.

Bằng cách trên, mẹ bầu có nhóm máu Rh- sẽ hạn chế được tối đa nguy cơ nguy hiểm cho thai nhi; đảm bảo an toàn cho chính mình và sự phát triển ổn định của thai nhi. Để nắm rõ hơn về tình trạng sức khỏe của mình khi có nhóm máu hiếm, mẹ hãy đến các cơ sở y tế để được kiểm tra, theo dõi và trao đổi với bác sĩ có chuyên môn. Chúc mẹ sẽ có một thai kỳ ổn định, an toàn, mẹ tròn con vuông.

Phòng Tư vấn và Đào tạo – Bibo Care